Trần Chân
Trên dọc đường đi tôi tò mò quan sát xung quanh như một đứa trẻ lần đầu tiên ra khỏi nhà. Xuyên qua mấy cánh đồng bậc thang trồng cheo leo trên núi tôi thầm thán phục người dân nơi đây. Ở quê tôi người ta chỉ trồng lúa thành từng mẫu đất, không giống như những bậc thang ngút ngàn này. Có lẽ họ chăm sóc chúng sẽ rất cực. Càng gần đến kinh đô không khí càng nhộn nhịp hơn. Ngay cả binh lính canh ở cổng thành dường như cũng oai vệ hơn ở Diễn Châu và Hải Đông.
Trong kinh thành người mua kẻ bán, hàng hóa lạ lẫm tôi chưa từng thấy bao giờ. Nhược Lan cũng tò mò như tôi, lần này chị ấy và tôi đúng là mở mang tầm mắt.
Chị cả thì không có vẻ gì là lạ lẫm. Tôi nhìn phong thái ung dung của chị cứ như đang trở về nhà mà không khỏi thắc mắc: “Chị cả lên kinh nhiều lần lắm rồi sao?”
Xuân Đào – hầu gái của chị cả lễ phép trả lời tôi: “Dạ mợ ba không biết sao, nhà mẹ của bà chủ là ở Thăng Long này đó. Cha bà chủ là Lưu đại nhân – Hàn lâm học sĩ, đứng đầu Hàn lâm viện trong triều đình. Lần này trở về đây, bà chủ cũng xem như trở về nhà thôi.”
Tôi nghe Xuân Đào nói mà không khỏi thấy kinh ngạc. Thì ra thân phận chị cả cao cấp như vậy, tính ra cũng là thiên kim đại tiểu thư rồi. Chẳng trách sao từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói của chị cả đều tỏa ra phong thái quyền quý cao sang. Trước nay tôi còn tưởng chắc gia đình chị cả cũng là phú hộ, nên chị có khí chất của một tiểu thư nhà giàu, nay mới biết được cái khí chất ấy không phải nhà giàu nào cũng có thể có – điển hình là tôi đây. Nhưng nếu thân phận cao như vậy sao chị cả không tiến cung hoặc lấy một vị quan nào đó cho môn đăng hộ đối? Gả về Hải Đông cho nhà họ Huỳnh chẳng phải là hạ mình hay sao.
Tôi tò mò nhìn chị cả, thắc mắc đủ điều cũng không dám hỏi. Chị cả dường như hiểu ý tôi, ôn hòa nói: “Năm đó Kim Thành công chúa, con của Nguyên phi được năm tuổi, chị theo cha đến tặng lễ vật chúc mừng. Lần đó cũng tình cờ chạm mặt anh Phú. Chị thấy anh dáng vẻ đường hoàng, lại nghe về chuyện cha mẹ mất sớm, một tay anh phát triển sự nghiệp nhà họ Huỳnh lớn mạnh như vậy nên không khỏi cảm thấy mến phục. Nguyên phi thấy chị có vẻ hài lòng anh, nên mở lời với cha chị hỏi chị về cho anh Phú.”
Tôi nghe mà không khỏi cảm thấy ngưỡng mộ chị cả. Chị phải lòng anh, anh liền cưới chị về làm vợ. Tôi gả về đây gần hai tháng rồi mà luôn thấy anh chị đối đãi với nhau như vợ chồng son, khiến bao người ghen tị. Chỉ có mỗi một điều còn chưa hoàn hảo là anh chị ở với nhau đã năm năm rồi mà chưa có một mụn con nào. Tôi sợ điều ấy khiến chị không vui nên chưa bao giờ dám hỏi tới. Nhưng dù chưa có con thì sao? Ngày nào anh cả cũng về nhà ăn cơm do chị nấu, chị thì khi nhắc đến anh ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. Tôi nghĩ nghĩa phu thê như thế cũng là viên mãn lắm rồi.
Tôi với chị cả đến Thăng Long vào sáng ngày mười bốn. Chúng tôi không trực tiếp vào cung mà nghỉ ngơi tại phủ riêng hoàng thượng ban cho Nguyên phi. Anh cả và chồng tôi mấy ngày nay cũng ở tại nơi này. Vừa đến nơi, anh chị cả cùng nhau đến Lưu phủ chào hỏi cha mẹ chị. Anh Cát thì đi đâu không thấy mặt, cả phủ rộng lớn chỉ có mỗi mình tôi cùng với cả đám người hầu. Bây giờ mới là giờ ngọ (khoảng 11 – 13 giờ trưa), yến tiệc tại hoàng cung lại đến tận giờ Dậu (17 – 19 giờ tối) mới bắt đầu, từ đây vào hoàng cung chỉ mất một canh giờ nên tôi quá dư dả thời gian. Buồn chán quá không biết làm gì, tôi sai Xuân Mai chuẩn bị cho tôi cần câu, kêu tên Mười đào đất bắt giun còn tôi thì ra giữa hồ sen câu cá. Câu khoảng một canh giờ, chiến lợi phẩm của tôi là hai con cua!
Đến giờ Mùi Nhược Lan chuẩn bị nước tắm cho tôi, rắc đầy cánh hoa thơm nức mũi. Tôi tắm xong tự cảm thấy mình đẹp ra ba phần.
Tôi mặc bộ yếm màu xanh ngọc, cài trâm ngọc bích. Chỉ tiếc thiếu đôi hoa tay mà tôi yêu thích thì bộ xiêm y có vẻ hoàn hảo hơn. Nhược Lan thay thế bằng đôi hoa tai cẩm thạch, tôi thì không thích cẩm thạch lắm nên để lỗ tai trống luôn.
Anh chị cả ngồi một xe, tôi và Cát ngồi một xe, nô bộc không được phép đi theo. Hai chiếc xe ngựa chậm chậm chạy qua các lớp cổng của hoàng cung. Cát không nói chuyện với tôi, tôi không được phép nhìn ra ngoài. Cứ thế chúng tôi ngồi yên trong xe như hai pho tượng gỗ tôi hay vái lạy trong chùa. Sẵn dịp tôi nhìn kỹ Cát hơn. Gương mặt xương xương, đường nét rõ ràng, tóc búi cao khiến vẻ ngoài càng bắt mắt. Anh bây giờ so với lúc tôi gặp ở Diễn Châu lần đầu, dường như trưởng thành hơn.
“Cô nhìn đủ chưa?” Anh mở miệng hỏi. Tôi dĩ nhiên là nhìn chưa đủ. Trong xe chỉ có hai chúng tôi, không nhìn anh chẳng lẽ tôi nhìn đầu gối mình? Nhưng tôi vẫn giữ thái độ hòa hảo cùng anh: “Anh hình như đen hơn trước phải không?”
Cát thở mạnh một hơi rồi nhắm mắt lại. Chẳng lẽ tôi nói sai gì sao?
*
* *
Xe ngựa đến lớp cổng cuối cùng của hoàng cung chúng tôi phải xuống xe để đi bộ. Đón chúng tôi là một ông công công già mặt trét phấn trắng bệch, giọng bán nam bán nữ. Chúng tôi đi theo ông ấy, băng qua các lỗi hành lang giữa các tẩm cung, một khu vườn rồi mới đến chỗ diễn ra đại tiệc. Chị cả thì thào nói cho tôi biết, nơi chúng tôi đang đứng là điện Thiên Khánh, được xây dựng theo hình bát quái và cực kỳ rộng lớn.
Nói là vào dự tiệc cung đình nhưng rõ ràng tôi chẳng thể thấy được mặt vua, cùng lắm chỉ là một hình ảnh uy nghi mặc áo màu vàng. Hoàng thượng, hoàng hậu, các vị phi tần, thái tử, hoàng tử thì ngồi tít trên cao. Dưới điện là các quan cấp bậc nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm,… cùng gia đình. Sau đó mới đến các phú thương có giao dịch với triều đình được ban ân dự tiệc. Hoàng thượng ngồi trên cao, mỗi câu nói đều được các thái giám truyền tải lại, khi hoàng thượng cười thì chúng tôi cười theo, khi người nâng chung rượu thì chúng tôi nâng chung theo, cứ như vậy đến suốt buổi tiệc. Hoàng thượng nói vài câu đại loại cầu chúc cho đất nước, cho bá tánh được hưởng ấm no rồi sau đó nhạc nổi lên, mấy ả vũ công thướt tha trong bộ yếm hồng hồng xanh xanh ra múa vũ điệu Liên Hoa Khai Nhụy. Không lâu sau, hoàng thượng cùng hoàng hậu lui về tẩm cung, chỉ còn bá quan văn võ cùng dân thường như chúng tôi ở lại ăn mừng trung thu.
Tôi không mấy hứng thú với không khí náo nhiệt gượng ép nơi đây nơi xin phép anh chị cả cho tôi ra khu vườn phía tây ngắm cảnh. Anh chị cả mải mê nâng chung với người quen nên cũng chẳng buồn để ý đến tôi. Cứ thể tôi tự mình bước đi, ra đến khu vườn có tấm bảng gỗ ghi tên “Quỳnh Lâm thượng uyển”.
Cả khu vườn rộng lớn trồng nhiều hoa đến mức tôi không đếm xuể có bao nhiêu loài. Chỉ tiếc là trời tối quá, tôi không nhìn rõ được tất cả hoa ấy có màu gì, cũng như có những loại đến đêm thì làm giá không chịu nở. Tôi đi lanh quanh vài vòng, phát hiện mình quên mất đường về!
Tôi đi thêm vài chục bước nữa thì đến một cây cổ thụ to, cành lá um tùm, trong ánh đèn nhập nhòe càng thêm đáng sợ. Trước đây mấy cụ ông quê tôi hay kể, cây đa, cây cổ thụ là nơi âm khí tụ tập nhiều nhất, đợi đến đêm tối thì chúng thoát ra hù dọa những người yếu bóng vía như tôi chẳng hạn. Chưa kể trong hoàng cung, oán hận nhiều vô kể, chết chóc nhiều vô kể, biết đâu cây cổ thụ này trở thành quỷ mộc cũng không chừng. Gió luồng qua các kẽ lá phát ra tiếng rì rào. Tôi sợ quá quay đâu định bỏ chạy, nhưng y phục vướng víu quá khiến tôi ngã nhào xuống đất, lăn mấy vòng rồi mới dừng lại. Tôi muốn ngồi dậy thật nhanh nhưng chân tay luống cuống không chịu nghe lời. Chợt có một giọng nói vang lên phía sau: “Kẻ nào to gan đến đây giờ này?”
Tôi còn ngỡ mình nghe nhầm… giọng nói ấy sao thật quen. Linh cảm cho tôi biết người tôi từng muốn gặp lại đích thị đang ở nơi này. Tôi ngẩng mặt lên, có lẽ anh cũng bàng hoàng khi nhìn thấy tôi: “Có phải là em không?”
Tôi gật đầu, không biết trong bóng tối anh có thấy được hay không.
Anh vội vàng chạy đến đỡ tôi dậy: “Sao lần nào ta gặp em thì em cũng có chuyện vậy?” Giọng anh nửa đùa nửa thật, tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi định bước cách xa anh vài bước, nhưng vừa đi đã nghe nhói ở cổ chân.
“Em bị trật chân rồi!” Nói rồi không đợi tôi phản ứng, anh đã bế tôi lên, tiến đến chiếc ghế đá ở một góc vườn rồi đặt tôi ngồi xuống. Tôi đã định vùng vẫy thoát khỏi anh, nhưng không hiểu sao toàn bộ sức lực của tôi đã tan biến tự bao giờ.
“Đưa chân ta xem!” Anh nói mà cũng như ra lệnh. Lần này thì tôi lắc đầu. Nam nữ thọ thọ bất thân, huống chi tôi đã là gái có chồng, năm lần bảy lượt bị anh chạm vào người, nếu anh Cát mà biết cũng đủ để anh viết thư thôi vợ rồi. Lần này anh mà còn xem chân tôi có bị làm sao không, sợ rằng có ai đó trông thấy, tôi mới thật sự là có làm sao. Tôi cười cười từ chối: “Em không sao, chắc bị trầy chút thôi. Tối về em kêu người hầu thoa dầu là ổn.”
Anh nhìn tôi nghi hoặc, rồi chẳng cần bận tâm gì nữa, ngồi luôn xuống cỏ nắm lấy chân tôi xoay xoay rồi kéo một cái thật mạnh. Tôi đau đến chảy cả nước mắt, muốn đem anh ra đánh một trận cho bõ ghét. Nhưng vài phút trôi qua, chân tôi đỡ đau hơn, tôi dụi dụi đôi mắt đỏ hoe còn rưng rưng của mình: “Ai cần anh chữa chứ.”
Anh ngồi lên chiếc ghế khác cùng bàn, hỏi tôi: “Em đến đây dự yến tiệc đúng không? Là đi cùng nhà họ Huỳnh?”
Tôi nhớ chúng tôi chỉ gặp nhau hai lần ở Diễn Châu, cả hai lần đó anh còn chưa biết tên tôi, vậy mà hôm nay lại còn biết tôi đi cùng với nhà họ Huỳnh. Chẳng lẽ đêm đó anh đã nghe những gì tôi nói lúc đưa ô cho anh. Hoặc cũng có thể anh cho người điều tra tôi chăng. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn, anh cười cười nói tiếp: “Đêm đó anh có việc gấp nên không đợi em được. Sáng hôm sau anh quay lại nhà em hỏi thăm thì biết em tên là Trần Chân, từ mấy tháng trước đã gả cho nhà họ Huỳnh ở Hải Đông.”
Tôi bồi hồi nhớ lại đêm hôm đó. Nhớ lại cảm giác trống trải của chính mình khi ra khỏi cổng mà không thấy anh đâu. Nhưng tôi thầm cảm ơn vì anh đã không đợi tôi, chứ nếu không tôi không biết mình có bỏ nhà mà chạy theo anh hay không. Tôi ôn tồn nói với anh, như thể chẳng quan tâm đến chuyện đêm đó: “Em thấy trời mưa nên định mang ô ra cho anh, sẵn trả anh luôn chiếc áo anh đắp cho em lúc em té xuống sông. Nhưng khi ra thì anh đã không còn. Sáng hôm sau em cũng theo chồng trở về Hải Đông.”
Tôi nhấn mạnh chữ “Chồng” như để tự cảnh tỉnh mình. Tôi đã là gái có chồng.
Tôi chỉ nhìn thấy một ánh mắt luyến tiếc của anh vài giây thôi thì anh đã nhanh chóng bật cười sảng khoái: “Em còn nhỏ vậy đã có chồng. Về nhà họ Huỳnh không khéo người khác lại nghĩ em là con gái của Huỳnh Phú.”
Tôi biết trông mình không giống một thiếu nữ lắm, nhưng khi anh nói ra cũng làm tôi bực mình. Tôi giận dỗi đứng dậy, giọng đanh lại: “Lần nào gặp cũng phiền tới anh, khi nào có dịp sẽ trả ơn. Bây giờ anh chỉ tôi đường nào ra lại điện Tuyên Đức đi.”
Anh còn định nói gì nữa nhưng có một tên lính chạy đến, nói điều gì đó vào tai anh, thế là anh vội vã từ biệt tôi, giao việc dẫn đường cho tên lính ấy. Trước khi đi anh còn tiện tay rút luôn cây trâm ngọc bích trên tóc tôi, bỡn cợt: “Món thứ hai, đợi đến khi uyên ương đủ cặp, người hữu duyên sẽ thuộc về người hữu duyên.” Tôi không hiểu anh có ý gì khi lấy đi trâm cài tóc của tôi. Nó là món thứ hai trong bộ trang sức hoa tai, trâm cài ngọc bích tôi yêu thích. Một chiếc hoa tai tôi đã làm mất, bây giờ đến cả cây trâm cũng bị lấy đi. Tôi ảo não bước theo tên lính chỉ đường, vừa đi được một đoạn ngắn thì có một cô cung nữ chạy đến trước mắt tôi.
“Huỳnh phu nhân, Nguyên phi muốn gặp người.”