Quyển 1 – Chương 1-2: Lời nói đầu

Đế Yến

LỜI NÓI ĐẦU

'Đế Yến' là cuốn tiểu thuyết tân lịch sử thứ ba của tôi sau 'Giang Sơn' và 'Sáp Huyết', nhưng chúng không phải là là ba phần của một bộ truyện.

Sáng tác tiểu thuyết tr¬ước hết phải dựa trên cảm hứng, viết lại những gì mình thích, viết lại những suy nghĩ không bị câu thúc của chính mình, cùng những giây phút chia vui sẻ buồn với bạn bè. Mặc dù sáng tạo tiểu thuyết tân lịch sử đòi hỏi phải chặt chẽ, bị hạn chế bởi rất nhiều trói buộc, nhưng lại giúp cho tôi có cơ hội trầm tĩnh lại, cảm nhận sâu hơn về thế giới quanh mình.

Bất cứ chuyện gì cũng đều giống như quẻ tượng. Có đôi khi, điều mấu chốt là chúng ta nhìn nhận như thế nào.

Tôi luôn cho rằng, lúc sáng tác tiểu thuyết mà không có cảm hứng, thậm chí ngay bản thân mình mà tác phẩm đó cũng không cuốn hút được, nếu vậy thì chẳng còn gì đáng nói.

May mắn tôi vẫn còn có cảm hứng, đến mức mỗi khi muốn cầm bút thì tâm hồn lại rung động. May mắn là lúc đêm khuya tĩnh lặng, khi lắng nghe một ca khúc, tôi vẫn còn liên tưởng tới được vẻ mặt bi thương hay vui sướng.

Không có một quyển sách nào có thể làm tất cả mọi người đều rung động, nhưng chỉ cần có thể khiến cho một người nào đó trong một thời điểm nhất định rung lên tiếng tơ lòng, vậy tác phẩm đó đã xứng đáng được công nhận.

Bối cảnh lịch sử của ba cuốn tiểu thuyết đều lấy những năm tháng mà vừa nhắc tới đã thấy nhàm tai, nhưng dường như vẫn bị che dấu trong màn sương mù của lịch sử... Theo ý kiến cá nhân tôi, chí ít cũng là như vậy.

Muốn viết về một vài nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng không biết do vô tình hay cố ý bị xem nhẹ. Muốn viết về một vài nhân vật chỉ thấp thoáng xuất hiện một cách mờ ảo trong sử sách, nhưng ngay cả bụi bặm thời gian cũng không thể che mờ.

Bởi vậy mới có 'Giang Sơn' - bản anh hùng ca về những con người bất khuất dám đứng lên khởi nghĩa thời Tùy Mạt; Cũng bởi vậy mới có 'Sáp Huyết' - thiên lịch sử đầy máu và nước mắt ca ngợi những văn thần sáng chói như mặt trời, những võ tướng chân chính có thể bảo vệ quốc gia đời nhà Tống; Cũng bởi vậy hiện giờ mới có 'Đế Yến' ...

Tiểu thuyết tân lịch sử không phải là sách giáo khoa lịch sử, cũng không phải đống giấy lộn; mà thực ra còn hơn cả ly kỳ, còn hơn cả thú vị, đến mức nhiều chỗ còn mượn phương pháp sáng tác của tiểu thuyết võ hiệp, huyền huyễn thậm chí cả thần thoại. Bởi vậy những gì được viết ra đã vượt quá sức tưởng tượng của khá nhiều người.

Theo cách nhìn nhận của tôi, 'Đế Yến' cũng là một tác phẩm vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Đương nhiên hiện giờ các bạn mới chỉ được đọc quyển đầu tiên. Nếu như đọc xong toàn bộ tác phẩm, bạn sẽ phát hiện ra, cho dù bản thân đã đoán trước kết quả nhưng cuối cùng nó lại khác hẳn với những gì mình đã dự đoán.

Có lẽ đây mới là sức hấp dẫn chân chính của tiểu thuyết tân lịch sử.

Óc sáng tạo là vô giá. Nhờ có sáng tạo mà nhân loại mới có thể phát triển. Nếu không có sáng tạo, thì tương lai cũng chẳng khác gì thì hiện tại, mà cũng chẳng có cái gọi là lịch sử. 'Đế Yến' viết về thời kỳ lịch sử sáu mươi năm của thời Nguyên mạt Minh sơ. Cảm hứng sáng tác dựa trên một câu nói trong bản gốc của 'Đoạn trường kinh' thời Đường: "Kẻ làm xe lo người ngồi xe không sang quý, kẻ làm tên sợ tên không có sức sát thương. Như vậy há chẳng phải là lo sợ thái quá? Nếu cứ làm tốt công việc của mình sao còn phải sợ gièm pha!."

Một câu cảm thán đương nhiên không thể biến ngay thành tiểu thuyết. Theo nguyên tắc làm việc của tôi, muốn có một tiểu thuyết tân lịch sử dài trên trăm vạn chữ thì phải tra tài liệu lịch sử cả vài trăm vạn chữ mới viết ra được.

Tuy nhiên mọi người không nhất thiết phải đi tra lại lịch sử, các bạn có thể coi 'Đế Yến' chỉ là một câu chuyện cũ được kể lại. Đương nhiên, nếu như đã biết rõ về giai đoạn lịch sử của sáu mươi năm đó, bạn càng đọc sẽ càng thấy sâu sắc và lý thú, thậm chí là rung động. Nhưng lỡ như bạn không biết thì cũng không sao, bởi vì dẫu sao tác phẩm mà tôi viết cũng là tiểu thuyết tân lịch sử.

Giúp thêm nhiều người không hiểu rõ về lịch sử thông qua tiểu thuyết tân lịch sử để tìm hiểu về năm tháng đó hơn nữa, thậm chí trong đầu sinh ra ý muốn nghiên cứu sâu hơn về giai đoạn này. Có lẽ đây mới là giá trị đích thực của sự tồn tại loại tiểu thuyết tân lịch sử này.

Cuối cùng, trước hết tôi xin cảm ơn tiên sinh Vương Kiệt Vỹ - Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên xuất bản sách báo bằng tiếng Anh Thượng Hải, bởi vì nhờ có sự rộng lượng và lòng bao dung của ngài nên mới có Mặc Vũ của ngày hôm nay. Đương nhiên, tôi còn phải cảm ơn những bạn đang đọc tác phẩm này. Nhờ có sự ủng hộ của các bạn mà Mặc Vũ tôi mới có thể đi tới đích.

Cảm ơn!

Nhấn Mở Bình Luận