Dạ Cậu, Em Là Mùa!
Người đàn ông kia bước đến trước mặt tôi thì dừng lại, tôi thấy anh ta nhìn tôi chằm chằm, tôi cũng mở to mắt nhìn lại anh ta không sợ hãi. Điều quan trọng phải nhắc lại thêm một lần nữa, anh chàng này... rất là đẹp trai, thật sự.
- Tôi hỏi sao cô không trả lời? Cô là ai? Giờ này thập thò ở đây làm gì?
Trai đẹp thì có đẹp nhưng sao hung dữ quá vậy, người ở đâu tự dưng nhào vô hỏi người ta là ai, vô duyên ghê.
- Tôi hỏi anh là ai mới đúng.
- Cô hỏi tôi là ai?
Tôi gật đầu:
- Ừ, tôi hỏi anh là ai, sao tự dưng vô đây la lối um xùm? Chỗ này là chỗ làm của tôi, tôi đang đi canh gác ban đêm cho bà chủ.
Người đàn ông kia chau mày:
- Đi canh gác? Sao tôi không biết ở đây mới có người canh gác mới?
Nghe anh ta nói vậy, tôi cau mày, hỏi tới:
- Nói vậy... anh là người nhà này? Anh làm ở đây hả hay là... hay là... anh là chủ nhà?
Nghe tôi hỏi, anh ta khẽ cười:
- À không, tôi quen với cậu Ba nhà này, bữa nay tới tìm cậu ấy bàn chuyện làm ăn.
- Thì ra là vậy, mà bà chủ nói cậu Ba bữa nay không có nhà, bộ anh không biết hả?
- Tôi không biết, bình thường tôi tới không có gọi trước nên không biết. Mà cô làm gì trong vườn giờ này vậy, ở đây có gì đâu mà cô canh gác?
Sợ lộ tẩy cục sợ ma, tôi liền chống chế:
- Thì... thì... tôi sợ có ăn trộm nên canh chừng vậy mà. Nhà chủ giàu lắm, tôi đi làm cho chủ cũng phải ngó chừng phụ cho chủ chứ.
Chợt nghĩ tới chuyện hồi nãy, tôi liền kề sát anh ta, hỏi khẽ:
- Nãy anh tới có nghe tiếng người chạy trong vườn này không?
Người đàn ông trước mắt nhìn tôi, anh ta có chút tò mò nhưng cuối cùng vẫn lắc đầu:
- Không, tôi có nghe gì đâu... bộ cô nghe gì hả?
Tôi có hơi ấp úng, cười trừ:
- Ờ thì cũng có nghe nhưng mà chắc là con chó con mèo gì đó... giờ này làm gì có ai ngoài vườn được, phải không?
Người đàn ông kia tỏ ra dè chừng, anh ta liếc trái liếc phải, giọng trầm xuống:
- Bậy, chắc cô là người mới tới nên cô không biết... trong vườn nhà này... từng có người treo cổ chết đó. Tôi còn nghe nói là đàn ông nữa, vì buồn gia đình mà treo cổ chết...
- Treo cổ? Thiệt hả?
- Thiệt, vậy là cô chưa biết rồi, bà Tư không kể cho cô nghe hả?
Cảm giác rợn tóc gáy bắt đầu xuất hiện, môi có chút run run, tôi cố cười cho đỡ sợ:
- Tôi... mà thôi đi, ma cỏ gì, tôi không hại người ta, người ta tìm tôi chi.
Người đàn ông kia đột nhiên cười lạnh, anh ta nhủ thầm:
- Tại cô không biết, ở đây người làm hay bị anh ta hù lắm, lúc còn sống... anh ta làm ở đây mà. Bữa nghe nói, anh ta hiện ra, hù bà kia sợ tè ra quần luôn đó. Tôi đàn ông con trai nghe mà còn teo... thiệt, tôi nói thiệt.
Tôi nuốt nước bọt, trong lòng càng lúc càng sợ, tôi nổi danh là trùm sợ ma, cha nội này chọc trúng chỗ ngứa của tôi luôn rồi á trời ơi.
- Thôi, tôi vô ngủ... anh cũng về đi, cậu Ba không có nhà đâu, mai mốt ngồi tới.
Thấy tôi không muốn tiếp chuyện nữa, người đàn ông kia cũng thôi:
- Ừ vậy thôi tôi về, ủa mà... cô cầm sợi dây gì trên tay vậy?
Sợi dây?
Nghe anh ta hỏi, tôi liền nhìn xuống tay mình... ấy chết... con Gấu... con Gấu đâu mất tiêu rồi? Lo nhiều chuyện rồi bỏ thằng nhỏ bị ma giấu mẹ rồi... chết luôn!
- Chết cha, con chó của tôi... nó đâu rồi... tôi mới dắt nó chạy mà?
- Thì cô kiếm thử đi... coi chừng...
- Anh kiếm phụ tôi coi, chắc nó chạy đâu trong vườn rồi... Gấu... Gấu... Gấu... con đâu rồi? Gấu à... Gấu ơi.
Tôi đi lại vào trong vườn tìm con Gấu, sau lưng có người đàn ông kia nên cũng không thấy sợ lắm. Vừa đi vừa kêu, tôi cuối cùng cũng tìm thấy con Gấu đang cào đất dưới gốc cây, thấy tôi đi tới, nó hứ lên vài tiếng nhưng vẫn tiếp tục cào cào. Tìm được cu cậu, tôi mừng như điên, lật đật ngồi xuống ôm cu cậu xốc lên, tôi trách:
- Mày hư lắm nha Gấu, sao tao kêu mày không chạy lại... nay còn bày đặt đi cào hang cào hốc... tao đánh cái chết giờ.
Con Gấu bị tôi ôm, chắc là biết lỗi nên nằm im ru trong vòng tay tôi không dám hú hí. Tôi xoay người ôm con Gấu ra ngoài, miệng vừa cười vừa nói:
- Anh khỏi cần tìm nữa, tôi tìm thấy... ủa... anh đâu rồi?
Tôi nhìn lên phía trước rồi mới xoay đầu nhìn sang bên trái, rồi lại tiếp tục nhìn sang bên phải nhưng tuyệt nhiên không thấy người đàn ông kia đâu. Chợt, tôi có một dự cảm không mấy thân thiện cho lắm, người đàn ông mới vừa nãy còn đi tìm con Gấu chung với tôi mà xoay qua xoay lại đã mất tiêu không dấu vết. Cái vườn rộng như vậy, anh ta chạy đâu mà tìm không thấy, lại không lý nào nói là anh ta bỏ về được, đến bay còn không thể nhanh như vậy được chứ nói gì là đi. Nói không chừng... nói không chừng... anh ta là... là... ma!
Mồ hôi mẹ, mồ hôi con thi nhau tuôn ra ào ào, tôi lẩm nhẩm vài câu thần chú rồi co giò chạy như điên như khùng vào trong nhà. Má ơi, ma nhát tôi rồi, cái này chắc chắn là ma nhát tôi rồi... chỉ có ma mới đẹp trai như vậy thôi, người thường ai đẹp trai tới như vậy được chứ. Thôi chạy, chạy... chạy là thượng sách... đứng ở đây một hồi "thằng chả" nhảy ra hù nữa chắc tôi chết chứ sống không nổi.
........................
Sáng ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy trong trạng thái hai mắt thâm quầng, đầu bù tóc rối, người run cầm cập, thần kinh không ổn định. Dì Tư tưởng tôi trúng gió, dì đè đầu tôi ra cạo gió lên bờ xuống ruộng. Bữa nay tôi được đặt cách cho nghỉ đến chiều, chiều mới ra lau chùi quét dọn cho nhà cửa. Chuyện tối hôm qua tôi không có nói cho dì Tư nghe, nói cho dì ấy biết dì ấy lại hỏi tôi giờ đó ra vườn làm gì thì lại khó ăn khó nói. Thôi kệ, tam tai mà, không nói được.
Qua mấy ngày sau, tôi dần quen với công chuyện trong nhà, tôi cũng không có tới nhà bà Cúng để hỏi chuyện đêm hôm đó. Tôi nghĩ, chắc là bà Cúng chỉ nói vậy thôi chứ không phải thiệt, vì nếu thiệt thì đêm hôm đó bà ấy đã chờ tôi ở vườn nhà rồi. Mà thôi đi, chuyện không quan trọng, tôi cũng không để tâm lắm.
Cậu mợ Tư đối xử với tôi và người làm rất tốt, lời ăn tiếng nói rất nhỏ nhẹ dễ nghe, bà chủ thì kiệm lời chứ cũng không đến nỗi trái tính trái nết. Chỉ riêng cậu Ba là tôi chưa gặp, nghe nói cậu đi công tác, vài bữa nữa mới về.
Sáng sớm, cậu Tư ra vườn tập thể dục sớm, thấy tôi quét sân, cậu vui vẻ hỏi:
- Đã quen chưa Mùa?
Tôi lễ phép trả lời:
- Dạ quen rồi cậu.
- Ừ, có cần gì thì nói với dì Tư, không ấy thì nói với mợ Tư cũng được.
- Dạ em biết rồi.
- Mà nhà em ở đâu? Người ở đây luôn hả?
Tôi gật đầu:
- Dạ nhà em ở đất liền, ba em là ông... cậu... cậu sao vậy... cậu Tư... cậu Tư...
Cậu Tư đang nói chuyện với tôi thì đột nhiên ngã ngang ra xỉu, tôi thấy cảnh này liền chạy nhanh tới đỡ lấy cậu. Vừa ôm vừa dìu cậu Tư, tôi hét lên gọi người tới giúp:
- Cứu.... dì Tư... cứu cậu Tư... dì Tư...
Nghe tiếng tôi hét, dì Tư với người làm xúm nhau chạy ra, người đỡ người khiêng, người gọi xe kêu phà, tức tốc đưa cậu Tư lên bệnh viện cấp cứu. Tôi không có đi theo cậu Tư chỉ ở nhà ngồi chờ tin tức với mợ Tư, mợ Tư đang có thai, bà không cho mợ Tư lên bệnh viện. Cậu Tư đi được chừng nửa tiếng thì có điện thoại gọi về báo là cậu không sao, cậu bị đột quỵ nhưng may là phát hiện kịp thời nên cứu được. Sức khỏe của cậu cũng ổn định, nằm nghỉ theo dõi thêm lát là có thể về nhà.
Tới chiều lúc cậu về, tôi cũng rón rén lên thăm, thấy mặt tôi, cậu liền cảm ơn không dứt lời. Tôi thì tôi cũng chỉ là thuận tay mà thôi, chả nhẽ thấy chết không cứu nên cũng không tính là hiển hách gì. Cảm ơn tôi xong, bà chủ tự dưng quay sang trách móc mợ Tư, làm cho tôi thấy ngại với mợ vô cùng.
- Diệp, con để ý chồng con hơn một chút được không? Chồng bị đột quỵ mà vợ ngủ chổng đầu chổng cổ không hay biết gì... kể mà không có con Mùa... thằng Luân chết queo rồi còn đâu.
Mợ Diệp buồn hiu, cúi đầu không dám nói gì, mà cậu Luân cũng không có đứng ra nói dùm cho mợ nữa...
Bà chủ được nước làm tới, bà trách thêm:
- Biết là con không nguyện ý về đây làm dâu nhưng dù sao hai đứa cũng đã thành vợ thành chồng, chuẩn bị sắp tới là có con... sao con vẫn còn lạnh nhạt với chồng con hả Diệp?
Mợ Diệp rơi nước mắt, mợ ấp úng:
- Dạ con... con không có ý đó... hồi sáng con thực tình không biết... đêm hôm qua con ngủ không được, tới sáng mới...
- Trên đời này đâu phải chỉ có mình con có bầu đâu Diệp... mà thôi mẹ không nói nữa, con thấy sao được thì làm... đã sinh con gái rồi mà còn...
Cậu Luân lúc này mới lên tiếng giải vây:
- Mẹ... Diệp có lỗi gì đâu, mẹ đừng nói em ấy như vậy...
Bà chủ lúc này mới giảm xuống sự khó chịu, bà không còn hằng học nữa:
- Thì thôi, mẹ không nói gì nữa đâu, để không vợ con lại không vui...
Nói rồi, bà quay sang tôi, ý tứ dễ chịu hơn hẳn:
- Con Mùa, cuối tháng bà thưởng thêm cho mày chút ít, coi như là quà cảm ơn.
Tôi vội từ chối:
- Dạ thôi bà, là chuyện con nên làm mà, con không cần bà thưởng gì đâu.
Cậu Tư khẽ lên tiếng:
- Em cứ lấy đi, em đáng được nhận mà.
- Mày cứ lấy đi, bà cho, cũng có bao nhiêu đâu mà mày không lấy, nghe bà.
Cậu Luân với bà nói quá, tôi không cách nào từ chối được, thôi thì của nhà người ta, người ta muốn cho thì cho, không ngăn được.
Thăm cậu Tư một lát, tôi theo dì Tư đi xuống nhà sau, có chuyện không hiểu lắm, tôi mới kéo dì lại hỏi.
- Dì Tư, sao bà ghét mợ Diệp dữ vậy dì?
Dì Tư ngồi xuống ghế, dì từ tốn trả lời:
- Thì cũng tại mợ Diệp, ban đầu có chịu gả cho cậu Luân đâu, chê cậu nhà quê á chứ. Mà sau này, nhà mợ Diệp phá sản, cậu Ba giúp cha má mợ trả nợ nên mợ mới chịu lấy cậu Tư đó chứ.
Tôi tò mò:
- Vậy ra... cậu Tư thương mợ Tư mà mợ Tư không ưng phải không dì?
Dì Tư lắc đầu:
- Không phải, cậu Tư cũng có thích mợ Tư đâu, chả qua bà ép nên cưới thôi... chủ yếu là để sinh cháu trai cho bà á mà.
Tôi ngạc nhiên:
- Sinh cháu trai?
- Ừ, sinh cháu trai, nhà họ Quý này chưa có cháu trai.
Nói tới đây, dì Tư lại lắc đầu ngao ngán:
- Nếu mà mợ Diệp không sinh được con trai, kiểu gì bà cũng cưới vợ bé cho cậu Luân thôi. Mà mợ Diệp cũng thiệt là, lúc chưa cấn bầu thì cãi bà không nghe lời bà... đó, giờ có bầu con gái đó. Cũng vừa cho mợ Diệp đi, nói mà không nghe...
Nói tới đây, bà đột nhiên quay sang tôi, hai mắt bà sáng rỡ, bà nói nhỏ:
- Ê Mùa, tao thấy cậu Luân cũng thích mày mà bà cũng ưng mày nữa, hông ấy...mày làm vợ bé cho cậu đi?
Giỡn hổng vui, dì Tư coi già vậy mà giỡn hổng vui nghen, cọc á!