Chương 32

Hai Tờ Di Chúc

Dáng điệu ngập ngừng do dự, luống cuống của bà nhà giàu trông thật thảm hại. Bà mà từ chối không mua thì ngại làm phật lòng cô khách quý nhưng nếu mua thì lại phải mở két tiêu tiền, một điều bà rất ngại, vì thói tật cố hữu của bà và cả gia đình vốn là... đại hà tiện. Cố gắng lắm, bà Phàm mới nói được:

- Vé số bao nhiêu đó hả cô?

- Dạ thưa, năm chục đồng một tấm ạ!

- Năm chục? Trời! Sao mắc dữ vậy cô?

- Dạ thưa, đây là việc nghĩa nên giá tiền ghi trong vé số cũng chỉ để làm hình thức thôi đấy ạ! Nhiều khách mua lại ủng hộ hàng trăm, hàng ngàn mà không lấy vé kia, thưa bà!

Bà Phàm đang định nói thì ngoài cửa bật mở. Tiếng Bích Mai, Bích Đào léo xéo ngoài hàng hiên. Hai cô gái thi nhau nói, chẳng cần biết có ai nghe không. Qua giọng nói gay gắt của họ, Ái Lan biết được ngay là chị em Mai, Đào đang bực mình về chuyện đến nhà ai đó mà lại không được chủ nhà tiếp.

Bích Đào như la lên:

- Chị người làm nói bà chủ đi vắng, nhưng em biết dư là bà ấy có nhà. Chính ra bà ta không muốn tiếp chị em mình nên lánh mặt đó thôi.

Dứt lời, hai chị em đã vào tới phòng khách. Chợt trông thấy Ái Lan, hai cô gái ngây người ngạc nhiên, nhưng không một cử chỉ, không có một lời, dù chỉ là phép xã giao giả dối, chào hỏi người khách tới nhà, mà chỉ giương mắt nhìn trân tráo.

Bà mẹ quay lại:

- Cô Ái Lan đây đang mời mẹ mua giùm mấy tấm vé số giúp bão lụt miền Trung, các con nghĩ sao?

Bích Mai buông sõng, giọng nói tàn nhẫn:

- Khỏi! Đừng mua gì hết, má à!

Thì ra cô này để tâm việc can thiệp của Ái Lan vào việc chiếc bình pha lê vỡ tại tiệm tạp hóa Toàn Chân ngoài công trường Hòa Bình bữa nọ. Và cô ta vẫn chăm chăm chờ có dịp để trả thù.

Bà Phàm không đồng ý với cô gái cưng, nhưng lời phản đối của bà, nghe không có chút mạnh dạn nào:

- Má tưởng nên mua mấy tấm hả các con! Có thể là một dịp hiếm có để được tiếp xúc với các vị tai to mặt lớn tại thị xã này đó! Bích Đào, con nghĩ sao?

Bích Đào lên tiếng gần như quát, cắt lời mẹ:

- Má nói cái gì đâu không à! Chỉ uống tiền vô ích! Ngày xổ sổ lại còn bày đặt chợ phiên ở sân vận động nữa! Cái sân vận động cỏ mọc tùm lum ấy con không thèm đặt chân tới đó đâu! Rồi má coi!

Bà mẹ quyết định... theo ý cô con gái quý:

- Ừ! Thế thì thôi! Vậy mẹ không mua nữa! - Rồi quay sang Ái Lan: - Thôi, cô bằng lòng vậy nhé, cô Ái Lan! Các em chẳng đứa nào chịu mua cả!

Dứt lời, bà đứng lên. Cái cử chỉ ấy có một ý nghĩa mà Ái Lan biết được ngay là bà muốn nói: "Thôi, xong rồi, cô về đi!" Em cũng đứng lên theo, trong lòng tức giận khôn tả vì sự tống khách đột ngột khiến em không hy vọng đạt được mục đích thầm kín. Ái Lan chán nản quay ra. Đột nhiên em khựng lại: ông Phạm Văn Phàm đứng ngay trên ngưỡng cửa. Ông ta đến lúc nào chẳng một ai biết.

- Khoan đã, cô em! Cô còn bao nhiêu tấm vé số tất cả?

Ái Lan sửng sốt:

- Thưa ông, bốn tấm ạ!

- Thôi được, tôi lấy hết cho!

Rồi ông trịnh trọng lấy ví da trong túi áo, lôi ra mà tờ giấy bạc 500 đồng đưa cho Ái Lan:

- Đây, tiền đây! Cô cầm lấy, khỏi phải trả lại gì hết!

Giọng nói ông ta thật êm dịu, đúng là của kẻ cả rộng lượng bao dung, làm ra vẻ như không để ý gì đến vấn đề tiền bạc.

Bà chủ nhà trợn tròn mắt nhìn ông chồng:

- Ủa! Mình điên đó hả? Cái gì mà đưa cả năm trăm đồng bạc, dữ vậy?

Phạm Văn Phàm tiến gần lại, rỉ khẽ vào tai vợ:

- Mình không biết gì cả! Mình điên đầu thì có chứ còn tôi thì ở đó mà coi tôi điên! Này nhé! Tụi mình từ bao lâu nay vẫn hì hục tìm cách làm sao cho được nổi danh một chút đặng dễ luồn lọt vào những chỗ khó khăn, tai mắt của Đà Lạt. Nay cơ hội nhất thời không kiếm mà được gặp, sao lại để vuột mất. Hà! Hà! Năm trăm đồng bạc để được nêu tên tuổi trên mặt báo còn rẻ chán!

Dứt lời, ông nhà giàu để rơi mình phịch xuống một chiếc ghế bành bọc nhung, quơ tờ báo, gằm đầu coi mục... rao vặt. Biết ý chồng khi đã chìm tia mắt vào tờ báo, soi mói tìm xem mục gì có thể tìm ra tiền thì không muốn bị ai làm rộn, bà chủ nhà đành giữ im lặng.

Trong khi đó, Ái Lan loay hoay tìm cách kéo dài thời gian nán lại, hy vọng thu lượm được một vài tia sáng về tung tích cái đồng hồ cổ của cụ Doanh.

Nhấn Mở Bình Luận