Hai Tờ Di Chúc
- Đây này! Để tôi kể cô nghe, nghe! Ngày hôm qua, trong lúc đang cuốc cỏ ngoài vườn, tự nhiên tôi thấy thèm uống rượu quá. Ôi chao! Ở cái tuổi tôi còn có thú cái gì nữa đâu cô! Chỉ thú uống rượu thôi!
Ái Lan ranh mãnh:
- Ừ thảo nào, người anh sặc sụa hơi ba xi đế hà!
Y-Ba, ánh mắt bối rối, vội vã đưa bàn tay thô kệch vụng về lên chùi nhanh hai bên mép:
- Đừng giận tôi tội nghiệp nghe cô! Người ta năn nỉ kèo nài mãi mà!...
- Ai? Ai năn nỉ kèo nài anh đi uống rượu?
- Một người đàn ông, ăn mặc đàng hoàng lái một chiếc xe lớn lắm. Lúc tôi đang làm vườn thì ông ta lái xe chạy ngang đây, thấy tôi liền ngừng lại. Nhận thấy tôi đang ngồi buồn, nhổ cỏ, ông ta liền rủ tôi ra quán ngã ba Lạc Dương uống đế nhắm khô nai. Tôi chịu liền, leo lên xe đi với ông ta. À, mà tôi cũng đã cẩn thận khóa kỹ cửa lớn, cửa sổ, nhà để xe, đút chìa khóa vào túi rồi mới đi kia mà. Yên trí lắm chớ!
- Ờ! Yên trí lắm! Anh coi đó.
Y-Ba vẫn hứng thú thuật lại câu chuyện nhậu nhẹt:
- Thì cô bảo lúc đó còn gì mà chẳng yên trí! Ối chà! Tới quán Ngã Ba Lạc Dương, ông ăn mặc đàng hoàng đó, kêu một xị lớn rượu đế thơm quá là thơm, rồi góc ký khô nai ngọt quá chừng là ngọt... Ấy thế rồi, chưa nhậu giọt nào, ông ta đã móc tiền ra trả, hẹn ra ngoài chút xíu quay trở lại liền, để một mình tôi ở lại với xị đế đầy ắp và mớ khô nai thơm phức. Thế là... thế là...
Ái Lan nghiêm giọng ngó Y-Ba:
- Thế là anh nhậu nhẹt một chầu thật đã rồi gục ngay tại chỗ, ngủ quên đi?
Y Ba lính quính:
- … Đến lúc tỉnh dậy thì thấy mình ngủ trên một chiếc ghế bố, có mùng cẩn thận. Sờ đến túi áo thì xâu chìa khóa đã biến mất. Liền ba chân bốn cẳng chạy về đây!
Ánh mắt Ái Lan nghiêm nghị:
- Thôi được! Như vậy thì anh cũng là người biết lo công việc đấy!... À, nhưng anh liệu đoán coi bà Phàm sẽ nói sao khi bà biết được tình trạng đồ đạc tại đây như thế này!
Người gác dan trợn ngược hai con mắt kinh hoảng:
- Trời đất! Vậy thì khổ tôi rồi! Ông bà ấy chắc đuổi tôi đi quá!
- Vậy cũng đáng cho anh! Ai bảo anh say sưa nhậu nhẹt quá xá như vậy chi! Ông bà chủ anh tin dùng giao nhà cửa đồ đạc à lại cả gan bỏ lửng theo người ta đi chè chén.
Chợt nghe cô bé nói đến tiếng "tin, tin" anh chàng người Thượng lại hiểu lầm theo một ý nghĩa khác:
- Cái gì? Tin, tin ai? Không, không! Từ rày về sau, tôi không còn có thể tin ai được nữa! Nhất là mấy cái ông ăn mặc đàng hoàng đi cái xe to to đó!
- Không! Tôi đâu có bảo anh như thế! Ý tôi muốn nói rằng anh đã quá dại dột mà bỏ liều nhà cửa của ông bà chủ đã giao cho anh trông coi đó!
- À ra thế! Tiếng nói Y-Ba trầm hẳn xuống, nghẹn ngào. Vậy là tôi ngu để tụi nó lừa, bỏ đi… và… bây giờ có khổ thì cũng ráng mà chịu!
Sau một cái chớp mắt, hai giọt nước nóng hổi lăn dài trên gò má nhăn nheo, và Y-Ba vội vàng đưa tay lên áo quệt.
Ái Lan thương hại:
- Thôi! Anh có buồn thì cũng đã lỡ rồi, Y-Ba! Cố quên chuyện đó đi. Nghĩ đến chuyện thu xếp vụ này cho êm đẹp thì hơn. Tôi sẽ giúp anh một tay! Nào! Việc cần làm trước là báo cho cảnh sát biết đã! Nhà có điện thoại không?
- Khổ! Làm gì có, cô!
- Vậy thì phải chạy sang biệt thự kế đây nếu không thì ra tận ngã ba Lạc Dương! Này Y-Ba, anh còn nhớ mặt người đàn ông mời anh đi nhậu nhẹt không?
Anh người Thượng hăm hở:
- Nhớ! Nhớ chứ! Gặp hắn là nhận ra liền mà! Cái thằng to lớn mặt mũi chuột đó, lúc nào tia mắt cũng láo liên đó! Cô cứ tin tôi đi, gặp mặt, là nó khổ với tôi!
Ái Lan chợt thấy đã đến lúc đưa ra một câu hỏi quan trọng:
- À, này, Y-Ba! Ở đây anh có thấy một cái đồng hồ nào có mặt vuông vuông không?
- Có chớ! Cái đồng hồ to to đó mà! Tôi vẫn quét bụi luôn đó. Cũ xì à! Tôi cũng chẳng thèm lên dây làm chi nữa vì đã có cái này. Y-Ba móc ở bao da, nơi dây lưng, một chiếc đồng hồ quả quít vỏ bằng bạc, đưa lên tai. Trời đất! Cái này cũng nghỉ chạy luôn nữa!
Ái Lan vui vẻ:
- Ối! Ăn thua gì cái đó! Này, Y-Ba! Anh nhớ chắc là nhà này có một cái đồng hồ cổ mặt vuông chứ?
- Chắc mà cô! Vẫn treo ở chỗ trên tường kia kìa!