Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Mùa hè, khi những đám mây sũng nước báo hiệu nước lên phủ kín trời một màu xam xám, trăng trắng, khi tiếng trống hộ đê thì thùng vang lên trên các điếm canh giục giã các hộ ven sông gói ghém đồ đạc di chuyển vào trong đồng, khi đường làng nhão ra bởi những cơn mưa dầm dề không dứt làm nước mương, nước ao hồ dâng lên xâm xấp mặt đường, khiến cho cả làng biến thành một hòn đảo là lúc lũ trẻ túa ra khắp làng. Tiếng hò hét, chí chóe tranh nhau vồ những con rô rạch, những con chuột đồng béo mũm sặc nước lờ đờ ngoi ngược dòng nước vang dậy át cả tiếng mưa. Trong khi đó, ở nhà, các bà các chị chụm nhau lại bên bếp lửa, trong khói rơm mới vừa kịp khô thơm thơm nồng nồng, vừa rì rầm bao chuyện riêng tư, vừa làm món bánh khoai khô mà quanh năm, chỉ mùa này mới có.
Khoai lang trồng đất bãi, củ nào củ nấy mập tròn, đượm vị phù sa. Thái con chỉ, phơi trên sân gạch non qua mấy nắng đồng bằng châu thổ sông Hồng, khô cong queo, phơ cái màu phấn trắng hoặc trắng tím, đem bỏ chum, đậy kĩ lá chuối, đến khi lấy ra, đưa lên miệng cắn vẫn giòn công cốc, ăn vã cũng được mấy vốc, chỉ mỏi mồm chứ không thể chán. Nhưng, khoai khô để làm bánh thì phải ngâm cho thật mềm và phai nhựa, đến khi cho vào cối giã vẫn còn dai bật chày lên. Khoai khô giã kì công như giã giò, giã đến khi nào bột thật mịn, quánh lại thành một chất đen như bột bánh gai thì mới mang ra làm bánh. Nhớ là phải nấu đỗ lên trước, khi đỗ đã bở tơi thì chỉ thêm một chút đường thôi, viên thành từng viên nhỏ làm nhân, sau đó, dùng bột khoai khô nắm thật đều tay, đừng nặn hình tròn, vì chỉ khi ăn, bạn mới biết vì sao, bánh khoai khô làng tôi bao đời nay chỉ một hình dáng thon thon như quả trứng. Xếp một lượt bánh, một lượt lá chuối, lại một lượt bánh, một lượt lá chuối lên rổ, cứ thế, đừng đậy vung, cho lên nồi hấp. Bánh rất nhanh chín, nếu đậy vung, hơi nước hấp vào nhão bánh thì coi như nồi bánh hôm ấy hỏng. Đừng tưởng, món bánh quê mùa dân dã mà tùy tiện, và đừng để những người đang yêu luộc bánh, vì tàn câu chuyện của họ, bánh khoai khéo hóa cháo khoai rồi.
Khi lũ trẻ lấm lem bùn đất trở về, hí hửng với những xâu cá rô, chuột đồng lủng lẳng và cái bụng rỗng không, thì bánh khoai đã kịp nguội. Bánh phải ăn thật nguội mới thưởng thức hết hương vị đặc biệt của nó. Cầm trên tay một nắm đen đen như quả trứng bắc thảo, đừng vội chê vẻ ngoài xấu xí của nó, se sẽ bẻ ra, đỗ xanh vàng ươm như lòng đỏ trứng gà nổi bật trên nền đen tuyền, cắn từng miếng nhỏ sẽ thấy hương thơm của đỗ xanh, quyện với vị bùi bùi và ngọt ngào không gì sánh nổi của bột khoai chắt lọc qua mưa nắng. Cái ngọt của đường trong nhân đỗ sẽ nhanh chóng tan đi, nhưng cái ngọt của đường trong khoai sẽ còn ngân nga mãi trong đầu lưỡi, nhai đến miếng cuối cùng của quả trứng khoai lại thấy thòm thèm, muốn ăn thêm cái nữa, đó chính là lý do, vì sao nhân đỗ chỉ ít thôi, để lấy màu cho đẹp, còn cái ngon của bánh khoai sẽ tự thân nó mang đến, mộc mạc hồn nhiên như khoai lúa bao đời.
Bao mùa mưa lũ trôi qua, giờ muốn về làng ăn bánh thì phải nèo bà chống gậy đi xin khoai khô trước cả tháng, vì cuộc sống no đủ, chẳng còn ai băm khoai phơi làm thức ăn dự trữ như xưa. Và cũng chẳng phải mất công giã oằn tay, cứ mang ra máy nghiền, chỉ mấy phút là xong. Những cô Bích, cô Na giờ tay bế tay bồng, sang thăm, chìa ra nắm bánh khoai, lũ trẻ ngoay ngoảy đòi kem cơ, kem cơ. Mấy cô cháu thở dài, nhìn ra, mưa, nước lên vẫn âm âm như những mùa mưa xưa, ngây thơ, bé bỏng.
_