Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Không hiểu sao, mỗi lần nghe bài hát “Tiếng rao” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với những câu buồn da diết như xát muối vào lòng: “Có tiếng rao như lời mẹ tôi, như lời chị tôi. Mang quê hương trên đôi vai gầy. Những trái ổi xẻ, những trái me, đậu phộng luộc, đòn gánh tre. Ai mua, ai không mua, ai mua? Chỉ có tiếng lũ trẻ: Tí ơi chua không, Tèo ơi có đắng không?” tôi lại cứ đoan chắc với lòng mình rằng, bài hát ấy được viết cho Hà Nội, trong một đêm đông vắng lặng chứ không phải viết về một Sài Gòn nóng nực và đông đúc. Nghĩ thế, rồi vẫn biết rằng mình vô lý. Chỉ tiếc rằng, dường như chưa có một bài hát, một bài thơ nào viết về những tiếng rao của Hà Nội khiến người đọc, người nghe phải nhớ?
Nếu là một nhà làm phim, tôi sẽ cầm máy quay, lang thang khắp các phố phường, ngõ ngách chỉ để ghi lại những tiếng rao ở Hà Nội. Chắc chắn, chẳng cần thêm những lời bình luận cầu kì thì bản thân những tiếng rao đã là một câu chuyện rất sinh động, hấp dẫn về một bộ phận, một lát cắt của Hà Nội.
Này nhé, từ mờ sáng tinh mơ, những tiếng rao xôi nóng, bánh mì như đánh thức cả Hà Nội dậy. Hà Nội còn ngái ngủ, Hà Nội còn mệt mỏi hay đói bụng sau một đêm ngon giấc hoặc thức trắng vì công việc, tiếng rao đã báo hiệu một ngày mới đến, một vòng sôi động nữa bắt đầu. Và từ tiếng rao ấy, chỉ ít phút sau thôi, cả Hà Nội ầm ầm hối hả, nhộn nhịp náo nhiệt đến mức, tiếng rao như đã chìm nghỉm như chưa bao giờ xuất hiện.
Song, dường như biết phận mình nhỏ nhoi, những tiếng rao chẳng hề ấm ức mà luôn biết lùi đúng lúc, xuất hiện đúng lúc. Bởi vì, đó là cách để mưu sinh, để tồn tại của những người bán hàng hoặc làm dịch vụ nhỏ lẻ, cả gia sản có khi chỉ là chiếc thùng nhỏ, chiếc mẹt, cái thúng sau lưng, trên vai. Bởi người Hà Nội vẫn cần những tiếng rao, cho dù giờ đây ra ngõ là đã gặp cửa hàng, đi dọc phố là có thể vào siêu thị, xuống chân cầu thang là có thể mua bất cứ thứ gì tại trung tâm thương mại. Tiếng rao như một tiếng lĩnh xướng cho bản hợp âm phố phường hòa nhịp vào sáng sớm, nhưng cũng như những dấu lặng giữa đêm khuya tĩnh mịch để kết thúc một ngày dài.
Nếu kể lịch sử tiếng rao, thì chắc chắn nhiều người Hà Nội xưa còn nhớ, có những tiếng rao trở thành bài vè in sâu vào kí ức. Chẳng hạn:
- Kẹo kéo càng kéo càng dài/ Càng dai càng ngọt/ Chạy tọt về nhà/ Xin bà một xu/ Xin bu một hào/ Ra mua kẹo kéo/ Ai kéo... đây!
- Kẹo kéo vừa dẻo vừa ngon/ Mua hào kẹo kéo cho con nó mừng/ Ai kéo... đây!
Hoặc:
- Ai mài dao sắc như nước, chém nước nước đứt, chém sắt thì mẻ dao. Ai mài dao nào...
Phải nói, ở chốn kinh kì Kẻ Chợ buôn bán trao đổi hàng hóa tấp nập như Hà Nội xưa, thiếu tiếng rao cũng giống như thiếu đi một phần gì đó rất đặc trưng. Ngày nay, tiếng rao đã được giản tiện hóa bởi phố đã đông hơn, ồn ào hơn, nếu cứ rao kéo dài thì tiếng rao dễ dàng bị mất hút bởi những âm thanh chói chang khác. Bây giờ, phổ biến chỉ là “Phớ... ơ...”, “Khóa... ơ...”, “Khúc... ơ...”, “Chiếu... ơ...”. Dài hơn nữa thì có “Bánh giò nóng đê”, “Đài loa tivi, âm li cũ hỏng bán đê”, “Mài... dao kéo đê...”. Bao giờ cũng thế, từ đầu tiên của câu rao vóng lên rất to để người nghe tiếp nhận ngay vào tai, vào óc, và tiếng cuối cùng bao giờ cũng kéo dài để tạo điểm nhấn, dư âm. Dài nhất và ấn tượng nhất là tiếng rao của những bà, những chị đồng nát: “Nhôm nát sắt hỏng đổi bán đi”. Đa phần là tiếng địa phương, nhưng được nhấn nhá, nhả chữ, mất dấu như ngâm thơ, như hát. Có lúc, tiếng rao ấy như uể oải, như than trách phận gánh gồng, nhưng cũng có lúc, tiếng rao ấy như ru ta vào một giấc ngủ êm đềm trong con ngõ sâu thưa vắng bóng người. Một bà với hai sọt chuối xanh vàng lốm đốm, một ông dắt chiếc xe lủng lẳng cưa đục rong ruổi khắp phố khắp ngõ, thấy Hà Nội dường như vẫn còn nhiều nét xưa cũ quá.
Những tiếng rao cất lên ở Hà Nội đa phần đến từ các tỉnh miền Bắc, thảng hoặc mới có tiếng miền Trung. Tiếng rao mang cả quê hương của người rao ra với phố phường vì mang đậm dấu ấn địa phương, vùng miền trong ngữ điệu, thổ âm, thậm chí còn… rất ngọng. Tiếng rao Hà Nội nhiều khi khiến ta vui mừng như “buồn ngủ gặp chiếu manh, đói lòng gặp xôi gấc”, chẳng phải đi đâu xa cũng mua được thứ mình cần. Tiếng rao Hà Nội cũng nhiều khi khiến ta giật mình, thậm chí mất ngủ khi đã nửa đêm, tiếng rao bằng loa phát ra từ thiết bị âm thanh khá thô sơ “Ai bánh bao bánh mì nóng đơ, mì nóng... đơ” kéo theo những tràng rọt rẹt kinh người. Nhưng bạn cứ thử xa Hà Nội xem, nửa đêm nằm trằn trọc ở xứ người, chắc hẳn bạn sẽ nhớ lắm một tiếng rao “Khúc... ơ” khàn khàn trong một đêm đông mờ mịt hay một đêm thu mưa ngâu sụt sùi.
Nhớ mênh mang và bùi ngùi vô hạn.
_